Tạo cơ chế hỗ trợ các nhà sáng chế.
Những năm qua, các nhà sáng chế không chuyên đã đóng góp nhiều sản phẩm có giá trị, được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất và đời sống. Bên cạnh những hỗ trợ của Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN), những nhà sáng chế không chuyên vẫn cần các cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả hơn, nhằm đẩy mạnh phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (SK,CTKT), tạo ra những sản phẩm hữu ích cho xã hội.
Thiếu cơ chế hỗ trợ phong trào SK, CTKT
Hiện nay, Bộ KH và CN đang hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sáng chế không chuyên thương mại hóa sản phẩm bằng một số hoạt động như: chợ công nghệ và thiết bị Techmart; hỗ trợ cá nhân có sáng chế, sáng kiến thành lập doanh nghiệp KH và CN; quảng bá các sản phẩm qua một số kênh thông tin đại chúng… Tuy nhiên những hoạt động đó mới chỉ giải quyết được phần “ngọn”. Thực tế, những sản phẩm, SK, CTKT vẫn do người dân chủ động tự bỏ kinh phí, mày mò nghiên cứu bằng niềm đam mê của bản thân để giải những “bài toán” đến từ nhu cầu cuộc sống. Ðằng sau những thành công được xã hội tôn vinh, những nhà sáng chế cần được hỗ trợ nhiều hơn về tri thức, tài chính và những cơ chế, chính sách, tháo gỡ những rào cản mà họ đang gặp trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo.
Người nông dân, có thể làm ra được sản phẩm sáng tạo mang lại hiệu quả cao trong cuộc sống. Nhưng để viết, trình bày sản phẩm ấy lên giấy thì họ lại… “bó tay”. Theo Phó Cục trưởng Sở hữu trí tuệ Phạm Phi Anh, đây cũng là khó khăn chủ yếu của các nhà sáng chế không chuyên khi nộp đơn đăng ký bảo hộ trí tuệ. Phần lớn các nhà sáng chế không chuyên dễ dàng mô tả bằng lời giải pháp của mình, nhưng lại gặp “khó” khi chuyển thành văn bản, mà lại phải theo một khuôn mẫu. Ngay cả khi được các cán bộ sở KH và CN hỗ trợ quá trình viết mô tả kỹ thuật, nhiều nhà sáng chế không chuyên cũng không có tiền để nộp đơn đăng ký bảo hộ trí tuệ.
Nhà sáng chế không chuyên Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhựa Hoàng Thắng, doanh nghiệp KH và CN đã thành công với ba dòng sản phẩm là thiết bị gieo hạt, xe phun xịt dung dịch, máy gặt đập lúa liên hợp cho chúng tôi biết: Khi doanh nghiệp muốn tiến đến một “sân chơi” lớn hơn là xây dựng cơ sở nghiên cứu phát triển sản xuất sản phẩm máy nông nghiệp thế hệ mới công nghệ cao, thì lại thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất và nguồn vốn đầu tư. Mặc dù đã nhiều lần doanh nghiệp làm đơn xin UBND tỉnh Cần Thơ hỗ trợ, nhưng mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”. Nhiều nhà sáng chế cho rằng, họ không yêu cầu được hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, nhưng mong muốn được vay vốn thông qua sự bảo lãnh của Bộ KH và CN và được hỗ trợ lãi suất ưu đãi khi vay.
Thúc đẩy hoạt động sáng tạo của nhân dân
Kể từ khi có Nghị định 13/2012/ NÐ-CP của Chính phủ về sáng kiến, đến nay, việc xây dựng một thông tư hướng dẫn về hỗ trợ tài chính cho hoạt động SK, CTKT vẫn chưa được ban hành. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có căn cứ pháp lý, hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ để hỗ trợ, thúc đẩy sức sáng tạo của người dân.
Theo Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân, người làm khoa học không nên quá lệ thuộc vào nguồn kinh phí đến từ ngân sách Nhà nước. Bộ KH và CN sẽ huy động nguồn đầu tư từ xã hội, chủ yếu từ doanh nghiệp để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của người dân. Mặt khác, Bộ KH và CN sẽ thông qua các chương trình về đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, tạo thêm nhiều “kênh” hỗ trợ người dân; tư vấn cho người dân thành lập doanh nghiệp KH và CN để có thể nhận được các ưu đãi về thuế, nhận một phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trong chương trình đổi mới công nghệ. Qua đó, người dân sẽ tự chủ từ việc thành lập doanh nghiệp, hoàn thiện, sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện nay, Bộ KH và CN đã giao nhiệm vụ cho các sở KH và CN khi phát hiện người dân có những sáng chế, SK, CTKT thì giúp họ tìm đến những doanh nghiệp phù hợp, để cùng hoàn thiện sản phẩm và đưa ra thị trường. Hoặc khi người dân có ý tưởng, SK, CTKT thì nên đến sở KH và CN địa phương trao đổi với các nhà khoa học. Qua đó sẽ được hỗ trợ về tri thức, giúp thấy được tính ứng dụng, khả thi của ý tưởng, sản phẩm và khi thương mại hóa được thị trường chấp nhận. Ðồng thời, cũng tránh tình trạng người dân vì đam mê sáng chế, thiếu thông tin, đổ hết sức lực, trí tuệ, tiền của vào công việc không mang lại hiệu quả.
Trong tháng 5 vừa qua, lần đầu, Bộ KH và CN đã tổ chức buổi gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp đã có những sản phẩm, SK, CTKT mang lại hiệu quả trong thực tiễn. Bộ KH và CN đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và lấy ý kiến để hoàn thiện Thông tư hướng dẫn hỗ trợ tài chính cho những nhà sáng chế không chuyên trong thời gian tới. Trong thời gian tới, Bộ KH và CN cần phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện về cơ chế để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, chế tạo sản phẩm của người dân; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân có những SK, CTKT, đưa sản phẩm của các nhà sáng chế không chuyên vào được thị trường, trở thành sản phẩm hữu ích cho xã hội.
Theo MINH NHẬT (dẫn nguồn báo Nhân dân điện tử)