Những sai lầm khi đăng ký nhãn hiệu mà các Startup thường mắc phải
Không cần thiết phải đăng ký nhãn hiệu: Một số doanh nghiệp mới thành lập thường nghĩ rằng họ có nhiều vấn đề phải đối mặt hơn là việc đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu của mình. Điều này là hết sức sai lầm bởi lẽ điều quan trọng với một doanh nghiệp mới thành lập hay bất cứ một doanh nghiệp nào khác đó là được khách hàng nhận diện và yêu quý. Việc bạn không đăng ký nhãn hiệu cũng tức là bạn đang tạo cơ hội cho kẻ khác có thể sử dụng hoặc lấy cắp những dấu hiệu nhận diện của mình. Bạn bỏ ra công sức để chèo lái doanh nghiệp mới thành lập của mình tạo được chỗ đứng trên thị trường nhưng rồi bất chợt nhận ra nhãn hiệu của mình đã bị người khác đăng ký.
Đăng ký nhãn hiệu gần giống với những thương hiệu nổi tiếng: Cách lựa chọn nhãn hiệu như vậy hoàn toàn có thể thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng nhưng về cơ bản đây vẫn chỉ là sự sao chép, do đó người tiêu dùng tuy chú ý nhưng sẽ không thực sự có ấn tượng tốt về nhãn hiệu của bạn. Trên hết bạn đã từ bỏ đi sự độc đáo trong nhãn hiệu của riêng mình – điều mà thường được nhắc đến với các startup thành công.
Đánh giá quá cao việc đăng ký nhãn hiệu: Chúng ta đều đã biết những lợi ích thu được từ việc đăng ký nhãn hiệu như độc quyền sử dụng nhãn hiệu; xử lý hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu; nâng cao giá trị thương hiệu v.v… Cũng vì thế mà nhiều bạn startup cảm thấy khá tự tin, thậm chí thấy dự án của mình “sang chảnh” hơn hẳn nhờ đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên giá trị của một nhãn hiệu luôn nằm ở chất lượng sản phẩm và niềm tin của người tiêu dùng, việc đăng ký nhãn hiệu không làm cho dự án khởi nghiệp thành công hơn, nó chỉ bảo đảm cho bạn giữ vững và phát triển hơn những thành quả đạt được của dự án.