Xử lý xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam

Với thị trường kinh tế ngày càng phát triển, đời sống con người được nâng cao thì ngoài chất lượng, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính thẩm mỹ của sản phẩm mà họ tiêu thụ hơn; điều này đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp sẽ chú trọng hơn tính thẩm mỹ, kiểu dáng sản phẩm nhằm kịp thời đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì lẽ đó, thị trường sẽ không tránh khỏi việc bắt chước, làm nhái các kiểu dáng sản phẩm đã đạt được vị trí nhất định trong tâm thức người tiêu dùng để lợi dụng uy tín trong kinh doanh.

Tuy nhiên, việc “làm nhái” sản phẩm có thể bị cấu thành hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Cách xác định hành vi xâm phạm quyền đối với KDCN:

Điều 126 Luật sở hữu trí tuệ quy định về hành vi xâm phạm quyền đối đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:

Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:

  1. Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
  2. Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 của Luật này.

Điêu 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; được sửa đổi bổ sung bởi NĐ 119/2010/NĐ-CP và NĐ 154/2018/NĐ-CP quy định về việc xác định hành vi xâm phạm, cụ thể:

Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại các Điều 28, 35, 126, 127, 129 và 188 của Luật Sở hữu trí tuệ, khi có đủ các căn cứ sau đây:

  1. Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
  2. Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
  3. Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ.
  4. Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.

Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam”.

Để xác định “yếu tố xâm phạm” theo khoản 02 Điều này, Điều 10 NĐ 105/2006/NĐ-CP quy định Yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp:

“1. Yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là sản phẩm hoặc phần của sản phẩm mà hình dáng bên ngoài không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.

  1. Căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được xác định theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
  2. Sản phẩm, phần sản phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau đây:
  3. a) Trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét, kể cả trường hợp đã được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao (gần như không thể phân biệt được sự khác biệt) của kiểu dáng công nghiệp của chủ sở hữu khác đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của người đó;
  4. b) Trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm được bảo hộ của người khác.
  5. Kiểu dáng công nghiệp của một sản phẩm (phần sản phẩm) chỉ bị coi là không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này khi kiểu dáng công nghiệp đó là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ”.

Biện pháp xử lý:

Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cơ quan xử lý:

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.

Quy trình xử lý xâm phạm:

Quy trình xử lý xâm phạm sẽ được tiến hành dựa theo tính chất phức tạp của từng vụ việc, trong đó, chủ thể bị xâm phạm phải xác định được hoặc nhờ Luật sư tư vấn về việc có hay không hành vi xâm phạm, từ đó tiến hành một trong số các bước sau:

  • Thu thập tài liệu, chứng cứ xâm phạm: Cần thu thập các hành vi của chủ thể bị nghi ngờ xâm phạm quyền. Đây là bước quan trọng, các chứng cứ được thu thập và xác minh từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tài liệu quan trọng trong quá trình xử lý xâm phạm và được coi là nguồn chứng cứ để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Phương án thu thập: Đề nghị cơ quan Thừa Phát Lại của Việt Nam tiến hành lập vi bằng và đăng ký vi bằng theo trình tự, thủ tục quy định; ghi nhận lại hành vi xâm phạm đang xảy ra; tránh trường hợp bên xâm phạm xóa bỏ dấu hiệu xâm phạm.

Đồng thời, Chủ thể bị xâm phạm có thể yêu cầu Viện Khoa học SHTT thuộc Bộ Khoa học Công nghệ tiến hành giám định kiểu dáng công nghiệp, từ đó xác định có hay không dấu hiệu xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp.

  • Tiến hành gửi thư cảnh báo tới chủ thể bị nghi ngờ xâm phạm: Chủ thể bị xâm phạm có thể tự mình hoặc ủy quyền Luật sư tiến hành soạn thư cảnh báo về việc xâm phạm kiểu dáng công nghiệp; phân tích vụ việc và đưa ra các yêu cầu đối với bên bị nghi ngờ xâm phạm.
  • Yêu cầu Tòa án dân sự hoặc Cơ quan quản lý nhà nước tiến hành các biện pháp xử lý cần thiết trong trường hợp bên bị nghi ngờ xâm phạm không thiện chí hợp tác, thực hiện các biện pháp theo yêu cầu của bên bị xâm phạm.

Để được hỗ trợ pháp lý về xử lý xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, vui lòng liên hệ với Luật sư của Nacilaw. Chúng tôi là Đại diện sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam; tự hào là đơn vị đại diện cho nhiều Khách hàng xác lập quyền, thực thi quyền, xử lý xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Facebook messengerFacebook messenger