XỬ LÝ XÂM PHẠM GIẢ MẠO NHÃN HIỆU

“Bắt giữ số lượng lớn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Việt Tiệp”; “Gần 50 tấn hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ”; “Bắt giữ gần 5.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike”;… là các tiêu đề nổi bật khi tìm các các vụ việc liên quan đến hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều đó cho thấy, hành vi giả mạo nhãn hiệu ở Việt Nam đang ngày càng phổ biến với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Từ đó, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và đầu tư, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, vấn đề xử lý vi phạm đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu được chú trọng.

I. Khái niệm giả mạo nhãn hiệu:

Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
Như vậy, việc gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý là hành vi giả mạo nhãn hiệu.

II. Ảnh hưởng của hành vi giả mạo nhãn hiệu:

1. Thực trạng:

“Bắt giữ số lượng lớn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Việt Tiệp”; “Gần 50 tấn hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ”; “Bắt giữ gần 5.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike”;… là các tiêu đề nổi bật khi tìm các các vụ việc liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, và hành vi giả mạo nhãn hiệu nói riêng. Tình trạng vi phạm ngày càng đáng báo động, bởi tính chất, quy mô vi phạm ngày càng phát triển. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu không chỉ có những hàng hóa có giá trị lớn, mà ngay cả những hàng hóa nhỏ cũng có thể giả mạo. Điển hình là các mặt hàng về thời trang, các đối tượng đánh vào tâm lý “chuộng hàng hiệu” nhưng vẫn muốn “rẻ” của một bộ phận người tiêu dùng, mà cho “ra đời” hàng loạt các mặt hàng giày dép, quần áo mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas,… Không chỉ quần áo thời trang, bút bi, ổ khóa, dao cạo râu,… cũng có thể trở thành đối tượng tác động cho các chủ thể làm giả. Hành vi này đã gây tác động không nhỏ đến kinh tế – xã hội của đất nước.

2. Tác động:

  • Đối với người tiêu dùng:

Người tiêu dùng là những người trực tiếp sử dụng hàng hóa, do đó, họ sẽ nhầm lẫn về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa và hơn thế nữa họ phải đối mặt với những rủi ro, hiểm nguy khi phải sử dụng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, đặc biệt là đối với các mặt hàng thực phẩm, thuốc men.

  • Đối với doanh nghiệp:

Uy tín, chất lượng là những tiêu chí hàng đầu của một doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Việc bị một đối tượng xấu giả mạo nhãn hiệu sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, từ đó dẫn đến các tổn thất khác của doanh nghiệp như doanh thu, mối quan hệ hợp tác, niềm tin với khách hàng và đối tác…

  • Đối với kinh tế – xã hội:

Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “tràn lan” trên thị trường đã tạo nên tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh và thu hút đầu tư phát triển nền kinh tế – xã hội, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. Sẽ không có bất kì cá nhân, tổ chức nào muốn đầu tư vào thị trường mà hàng hóa của mình “thật giả lẫn lộn”, tạo cái nhìn không tốt đến người tiêu dùng. Việc thu lợi nhuận phi pháp từ việc kinh doanh buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, còn gây tác động xấu đến đạo đức nhân phẩm con người, do bị làm “mờ mắt” bởi đồng tiền, kéo theo là nhiều tệ nạn xã hội khác như tham nhũng,…

III. Biện pháp xử lý:

Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm, thì tùy thuộc vào mức độ, tính chất của hành vi mà có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

1. Biện pháp dân sự:

Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
– Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
– Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
– Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
– Buộc bồi thường thiệt hại;
– Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

2. Biện pháp hành chính:

Căn cứ khoản 1 Điều 211 Luật SHTT, cá nhân, tổ chức có hành vi sau đây sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính:
– Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
– Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
– Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm của hành vi mà mức phạt có thể từ 4.000.000 lên đến 30.000.000 triệu đồng.

3. Biện pháp hình sự:

Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Theo đó, Điều 226 BLHS 2015 quy định mức phạt đối với cá nhân vi phạm như sau:

“1.182 Người nào cố ý xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ Sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, BLHS 2015 quy định như sau:

“4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) 183 Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Như vậy, nhà nước đã có những quy định nghiêm ngặt trong việc xử lý vi phạm đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nói riêng. Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa và xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức cá nhân còn phải tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình, tránh cho kẻ gian lợi dụng sơ hở trục lợi bằng cách như sau:
– Thường xuyên kiểm tra, theo dõi thông tin về nhãn hiệu, xem có đối tượng nào giả mạo nhãn hiệu của mình đăng ký trên thị trường;
– Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
– Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
– Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Facebook messengerFacebook messenger