Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền chậm mà nhanh. Đăng ký nhãn hiệu được hiểu một cách đơn giản là việc cá nhân, tổ chức nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục sở hữu trí tuệ. Nhãn hiệu ở đây là dấu hiệu có thể nhìn thấy được và có khả năng phân biệt. Tại Việt Nam, các dấu hiệu như âm thanh, mùi vị không được bảo hộ dưới danh nghĩa là nhãn hiệu. Thông thường, với một nhãn hiệu thì thời gian kể từ lúc nộp đơn đến khi được cấp Giấy chứng nhận rơi vào khoảng từ 12 – 14 tháng.
Khi nhìn vào mốc thời gian này, chủ sở hữu hay nói cách khác là chủ đơn thường có tâm lý “e ngại” vì khoảng thời gian này khá dài. Họ ngại phải chờ đợi một khoảng thời gian lâu để có được kết quả. Tuy nhiên, quy định này đã được pháp luật đưa ra dựa trên sự tính toán hợp lý trong các giai đoạn để thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu.
Quy trình đăng ký nhãn hiệu được diễn ra như sau:
Bước 1: Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu
Chủ đơn có thể tự mình hoặc ủy quyền cho đại diện nộp hồ sơ tại Cục SHTT (hoặc văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh). Hồ sơ tối thiểu phải đầy đủ các tài liệu sau:
– 2 tờ khai đăng ký nhãn hiệu
– 05 mẫu nhãn
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn
Thời gian thẩm định hình thức kéo dài 1 tháng. Cục SHTT sẽ tiến hành thẩm định về tính hợp lệ của đơn như tư cách người nộp đơn, tính đầy đủ của hồ sơ. Trong giai đoạn này Cục SHTT cũng có thể sẽ ra công văn yêu cầu chủ đơn, đại diện chủ đơn phải trả lời, sửa đổi, hoặc bổ sung đơn nếu đơn có thiếu sót. Kết thúc gian đoạn này, Cục sẽ ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ hoặc từ chối đơn.
Bước 3: Đăng công báo sở hữu công nghiệp
Đơn hợp lệ sẽ được đăng công báo trong thời gian 2 tháng. Mục đích của việc đăng công báo là để công khai quy trình đăng ký nhãn hiệu cũng như để các bên thứ ba có quyền và lợi ích liên quan đến nhãn hiệu có ý kiến.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn
Kéo dài từ 9-10 tháng. Giai đoạn này nhằm kiểm tra xem nhãn hiệu có khả năng phân biệt và có thể khả năng được bảo hộ hay không. Trong giai đoạn này, Cục SHTT cũng có thể sẽ ra công văn yêu cầu chủ đơn, đại diện chủ đơn phải trả lời, sửa đổi, bổ sung đơn liên quan đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu. Kết thúc giai đoạn này, Cục sẽ ra thông cáo chấp nhận hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Bước 5: Cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Nhãn hiệu được chấp nhận cấp văn bằng bảo hộ sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sau khi chủ đơn nộp đủ lệ phí cấp bằng, đăng bạ và công bố.
Tuy nhiên, các bạn không phải băn khoăn vì quá trình đó, khi nộp đơn vào Cục sở hữu trí tuệ, ngày nộp đơn sẽ được ghi nhận là ngày ưu tiên. Có nghĩa là những đơn đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự được nộp vào sau, sẽ bị từ chối. Do đó, khi chắc chắn được khả năng đăng ký của nhãn hiệu, cần nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ngay để được hưởng quyền này và cứ thế chờ đợi cũng không phải lo ngại gì. Thế mới nói, đăng ký nhãn hiệu chậm mà nhanh.