Thời gian, chi phí, địa điểm đăng ký nhãn hiệu độc quyền

Đăng ký nhãn hiệu độc quyền ở đâu/ Nơi đăng ký nhãn hiệu độc quyền

Một trong những băn khoăn của người nộp đơn có lẽ là về nơi đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Việt Nam được thực hiện tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (384-386 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội). Người nộp đơn có trực tiếp tại bộ phận một cửa để thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu hoặc soạn hồ sơ đăng ký nhãn hiệu độc quyền và gửi tới địa chỉ trên. Khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu độc quyền trực tiếp tại Bộ phận một cửa, người nộp đơn cần lấy số thứ tự nộp đơn và ngồi đợi gọi đến số thứ tự của mình. Để đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn phải lấy số tại Cửa số 3 và để kiểm tra tình trạng đơn đăng ký nhãn hiệu độc quyền của mình, người nộp đơn phải tới cửa số 4 gặp Chuyên viên và hỏi về tình trạng đơn đăng ký nhãn hiệu của mình. Đối với trường hợp Chủ đơn đăng ký nhãn hiệu là công ty, tổ chức, Chủ đơn có thể cho nhân viên của mình tới Cục SHTT để nộp đơn và người nộp đơn phải mang theo giấy giới thiệu của Công ty, tổ chức mà mình đang làm việc.

Chi phí đăng ký nhãn hiệu sản phẩm

Chi phí đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm hoặc dịch vụ phụ thuộc vào số sản phẩm và hàng hóa mà nhãn hiệu đăng ký bảo hộ. Trường hợp đăng ký một nhãn hiệu cho 01 nhóm hàng hóa, dịch vụ có từ 06 sản phẩm, dịch vụ trở xuống, người nộp đơn cần nộp khoản phí đăng ký là 1.000.000 đồng (Theo quy định tại Thông tư 236/2016/TT-BTC phí lệ phí sở hữu công nghiệp). Cụ thể, lệ phí nộp đơn là 150.000 đồng, phí công bố đơn là 120.000 đồng, phí tra cứu phục vụ việc thẩm định đơn là 180.000 đồng và phí thẩm định đơn 550.000 đồng. Trong trường hợp một nhóm hàng hóa, dịch vụ có từ 07 sản phẩm/dịch vụ trở lên, người nộp đơn cần nộp một khoản lệ phí là 150.000 đồng/1 sản phẩm, dịch vụ. Việc chọn các sản phẩm, dịch vụ để đăng ký bảo hộ đòi hỏi người nộp đơn phải nắm rõ Bảng phân loại hàng hóa dịch vụ Nice 11. Bảng phân loại Nice 11 được Cục SHTT đăng tải công khai trên trang web của Cục SHTT. Để tiết kiệm chi phí đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn nên nhờ Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp tư vấn về việc lựa chọn các nhóm hàng hóa, dịch vụ có phạm vi bảo hộ bao quát rộng lớn và chi phí tiết kiệm.  Phí và lệ phí đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam được đánh giá là thấp hơn các quốc gia khác trong khu vực, bởi lẽ nước ta đang có chính sách hỗ trợ phát triển sở hữu trí tuệ.

Cá nhân có được đăng ký nhãn hiệu

Nhiều cá nhân thắc mắc liệu cá nhân có được đăng ký nhãn hiệu không hay chỉ có tổ chức mới có quyền đăng ký nhãn hiệu. Nhận thấy những thắc mắc của chủ thể đăng ký nhãn hiệu là hoàn toàn có cơ sở, Luật Quốc Dân xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau: Theo quy định của pháp luật Việt Nam và hấu hết các quốc gia trên thế giới, các cá nhân và tổ chức đều có quyền đăng ký nhãn hiệu. Bởi lẽ, chủ thể của quan hệ pháp luật có thể là cá nhân hoặc tổ chức, việc đăng ký nhãn hiệu là một loai quan hệ pháp luật phát sinh giữa chủ thể quyền và cơ quan nhà nước. Việc cá nhân đăng ký nhãn hiệu cũng không có nhiều khác biệt so với việc tổ chức đăng ký nhãn hiệu. Bởi lẽ, các hồ sơ, tài liệu đối với việc đăng ký nhãn hiệu là hoàn toàn giống nhau, giữa cá nhân và tổ chức chỉ có sự khác biệt trong quá trình thực thi các quyền đối với nhãn hiệu. Khi nhãn hiệu bị xâm phạm, việc chứng minh thiệt hại của tổ chức sẽ dễ dàng hơn so với các cá nhân hoặc khi chuyển nhượng nhãn hiệu thì thông thường những nhãn hiệu mà tổ chức sở hữu sẽ có giá trị cao hơn so với những nhãn hiệu mà cá nhân sở hữu.

Đăng ký nhãn hiệu như thế nào

Đăng ký nhãn hiệu như thế nào có lẽ là băn khoăn lớn nhất đối với các cá nhân, doanh nghiệp khi có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu. Đăng ký nhãn hiệu được thực hiện với các bước sau:

Bước 01: Soạn hồ sơ, tài liệu phục vụ cho việc đăng ký nhãn hiệu

Bước 02: Nộp đơn tại Cục SHTT

Người nộp đơn có thể nộp đơn trực tiếp tại Bộ phận một cửa của Cục SHTT hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện tới Cục SHTT.

Bên cạnh đó, người nộp đơn có thể nộp đơn trực tuyến để gửi hồ sơ tới Cục SHTT, tuy nhiên việc nộp đơn theo phương thức trực tuyến là khá phức tạp đối với các cá nhân, tổ chức. Bởi lẽ, ngoài việc  nhập các dữ liệu Online thì người nộp đơn phải ký quỹ qua ngân hàng để nộp phí và phải nộp bản cứng các tài liệu tại Cục SHTT.

Bước 3: Nhận kết quả thẩm định hình thức

Sau khi nộp đơn 01 tháng, người nộp đơn sẽ nhận được kết quả thẩm định hình thức. Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu hợp lệ thì Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ sẽ được gửi cho người nộp đơn. Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu không hợp lệ thì Cục SHTT sẽ ra công văn dự định từ chối chấp nhận đơn và cho người nộp đơn thời gian 02 tháng để người nộp đơn khắc phục. Nếu người nộp đơn không khắc phục được các sai sót trong công văn thì Cục SHTT sẽ ra Quyết định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ. Giai đoạn thẩm định hình thức sẽ kết thúc bởi quyết định chấp nhận đơn hợp lệ hoặc quyết định từ chối chấp nhận đơn.

Bước 4: Công bố đơn

Sau khi đơn đăng ký nhãn hiệu được chấp nhận hợp lệ 02 tháng, đơn đăng ký nhãn hiệu của các chủ thể sẽ được đăng trên Công báo Sở hữu công nghiệp của Cục SHTT. Giai đoạn công bố đơn nằm giữa giai đoạn thẩm định hình thức và thẩm định nội dung. Thông qua quá trình công bố đơn, các bên thứ ba có quyền nêu ra ý kiến về đơn đăng ký nhãn hiệu trên. Nếu nhận thấy đơn đăng ký nhãn hiệu không đáp ứng được yêu cầu bảo hộ, bên thứ ba có quyền làm công văn phản đối và nộp một khoản phí tới Cục SHTT. Yêu cầu phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được Cục SHTT tiếp nhận, xử lý và gửi tới Chủ đơn hoặc người đại diện của Chủ đơn.

Bước 5: Nhận kết quả thẩm định nội dung

Sau khi đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố trên Cục SHTT, giai đoạn thẩm định nội dung sẽ diễn ra trong vòng 09 tháng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế thời hạn thẩm định nội dung có thể kéo dài 1,5 năm hoặc nhiều nhất là 2 năm. Sau quá trình thẩm định nội dung, đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ có công văn dự định cấp văn bằng bảo hộ và nộp phí, lệ phí và  công văn dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ (Kết quả thẩm định nội dung). Giai đoạn thẩm định nội dung sẽ kết thúc khu Cục SHTT ra Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu

Quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu là một chế định đặc biệt của luật sở hữu trí tuệ, bởi lẽ nguyên tắc xác lập quyền dựa trên cơ sở đăng ký là một đặc thù của các đối tượng sở hữu trí tuệ. Quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu được hiểu là trường hợp các chủ đơn nộp các đơn đăng ký nhãn hiệu trùng/tương tự với nhau cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự nhau thì đơn đăng ký nhãn hiệu nào có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn đầu tiên sẽ được chấp nhận bảo hộ. Ví dụ: Công ty A đăng ký nhãn hiệu Haiba cho dầu gội đầu vào ngày 11/12/2017, Công ty B đăng ký nhãn hiệu Haiba cho sữa tắm vào ngày 12/12/2017 thì Công ty A sẽ được chấp nhận bảo hộ trong khi Công ty B bị từ chối bảo hộ.

Theo Công ước Paris về quyền sở hữu công nghiệp thì đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trong thời hạn 06 tháng từ quốc gia gốc sẽ được hưởng quyền ưu tiên tại các quốc gia thành viên Công ước Paris 1883. Ví dụ: Công ty A đăng ký nhãn hiệu B tại Nhật Bản ngày 1/1/2017, ngày 1/2/2017 có Công ty C đăng ký nhãn hiệu B tại Việt Nam. Ngày 1/3/2017, Công ty A đăng ký quốc tế nhãn hiệu B và chỉ định tại Việt Nam => Công ty A sẽ được hưởng quyền ưu tiên so với Công ty C. Nếu nhãn hiệu B đáp ứng được điều kiện cấp văn bằng bảo hộ thì Công ty A sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứ không phải Công ty B.

Thời gian đăng ký nhãn hiệu

Theo quy định của pháp luật, thời gian đăng ký nhãn hiệu = 1 tháng (thẩm định hình thức) + 2 tháng (công bố đơn) + 9 tháng (thẩm định nội dung) = 12 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu thường dài hơn có thể xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ việc Chủ thể nộp đơn có những thiếu sót trong quá trình nộp đơn và phải khắc phục thiếu sót đó làm cho thời gian đăng ký nhãn hiệu tăng lên. Nguyên nhân khách quan xuất phát từ việc đơn đăng ký nhãn hiệu gặp phải các yêu cầu phản đối từ bên thứ ba khiến cho Cục SHTT phải mất thời gian thẩm định yêu cầu phản đối, làm đơn đăng ký bị kéo dài thời gian thẩm định. Một nguyên nhân khác thường thấy trên thực tế chính là do số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quá nhiều, khiến cho Cục SHTT bị quá tải và khiến thời gian thẩm định trên thực tế thường gấp đôi thời gian đăng ký nhãn hiệu theo quy định của pháp luật.

Xem ngay: 5 bước thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu logo độc quyền

Quý Khách hàng có nhu cầu tìm hiểu quy định pháp luật và thủ tục liên quan đến thủ tục đăng ký nhãn hiệu logo, xin vui lòng liên hệ Luật Quốc Dân (hotline: 0978938505) để được tư vấn chi tiết!

Trả lời

Facebook messengerFacebook messenger