Quy trình xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế

Là một quốc gia đang phát triển và dần hội nhập với thế giới, giá trị quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam sẽ dần chuyển dịch từ tên thương hiệu sang bản chất của khoa học kỹ thuật – công nghệ, tức là từ nhãn hiệu sang sáng chế. Vậy làm thế nào để bảo vệ quyền đối với sáng chế của mình, trong phạm vi bài viết này, Naci sẽ gửi tới Quý Khách Hàng một quy trình hoàn chỉnh để xử lý một yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế.

Trước tiên, Quý Khách hàng cần hiểu một số định nghĩa sau đây:

Sáng chế: là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. (Điều 4.12 Luật Sở hữu trí tuệ).

Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế: được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Điều 6.3.a Luật Sở hữu trí tuệ).

Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế: là hành vi sử dụng sáng chế được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu (Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ).

Các yếu tố được coi là xâm phạm về quyền đối với sáng chế (Điều 8.1 Nghị định 105/2006/NĐ-CP):

  1. a) Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) sản phẩm trùng hoặc tương đương với sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế;
  2. b) Quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế;
  3. c) Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm được sản xuất theo quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế.

Căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế: là phạm vi bảo hộ sáng chế được xác định theo Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích (Điều 8.2 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).

Tiếp theo, dưới đây sẽ là cơ sở pháp lý, cơ quan xử lý và các bước xử lý xâm phạm.

Cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm:

Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) – Gọi tắt là “Luật Sở hữu trí tuệ”;

Nghị định 105/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ – Gọi tắt là “Nghị định 105/2006/NĐ-CP”;

Nghị định 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 29 tháng 8 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Cơ quan giải quyết xâm phạm:

Căn cứ theo quy định tại Điều 199,200 Luật SHTT quy định về việc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm sáng chế của người khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Toà án, Thanh tra Bộ Khoa học công nghệ, Quản lý thị trường có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm sáng chế

Cụ thể, các bước để xử lý xâm phạm như sau:

  • Đánh giá hành vi xâm phạm: để xác định một hành vi có phải là hành vi mang yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế hay không, cần tiến hành đánh giá thông qua:

+ Nếu là sản phẩm, hệ thống thì đánh giá về cấu tạo, chất liệu, cách liên kết giữa các bộ phận trong sản phẩm, giữa các khối trong hệ thống, xem yếu tố xâm phạm có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với sáng chế đã được bảo hộ hay không.

+ Nếu là phương pháp thì đánh giá về bản chất của các bước thực hiện phương pháp đó, xem phương pháp đang bị đánh giá có các bước trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với sáng chế đã được bảo hộ hay không.

Đối với những vụ việc đơn giản, việc đánh giá có thể được thực hiện bởi chủ sở hữu (hoặc tác giả) bằng sáng chế, chuyên viên sáng chế của Naci.

Đối với những vụ việc phức tạp hơn, việc đánh giá sẽ do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thực hiện thông qua công tác giám định.

  • Lập vi bằng: mục đích của việc lập vi bằng là để ghi nhận hành vi có yếu có xâm phạm đang diễn ra trên thực tế, vi bằng được coi là một căn cứ để xử lý vi phạm.
  • Soạn và gửi thư cảnh báo: sau khi đã thu thập được các chứng cứ và xác định được yếu tố xâm phậm, Naci sẽ thay mặt Quý Khách Hàng soạn và gửi thư cảnh báo tới chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm, buộc chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm phải chấm dứt ngay hành vi đang xâm phạm, khắc phục các hậu quả (nếu có) và bồi thường thiệt hại cho khách hàng (nếu có). Việc soạn và gửi thư cảnh báo sẽ được Naci thực hiện hai lần.
  • Yêu cầu các cơ quan nhà nước vào cuộc: trong trường hợp sau hai lần gửi thư cảnh báo, chủ thể đang có hành vi mang yếu tố xâm phạm không chấm dứt hành vi, Naci sẽ thay mặt Quý Khách Hàng yêu cầu các cơ quan nhà nước vào cuộc buộc chấm dứt hành vi xâm phạm, các yếu cầu đó bao gồm nhưng không giới hạn việc kiến nghị lên Quản lý thị trường, Thanh tra Bộ khoa học và công nghệ, nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân.

Để thực hiện các bước xử lý trên, Quý Khách Hàng cần cung cấp các thông tin sau đây:

  • Bằng độc quyền sáng chế/Giải pháp hữu ích còn hiệu lực được cấp bởi Cục sở hữu trí tuệ;
  • Thông tin của bên nghi ngờ xâm phạm quyền đối với sáng chế;
  • Thông tin cụ thể về hành vi xâm phạm;

Chúng tôi hi vọng rằng bài viết này đã mang lại cho Quý Khách Hàng một trải nghiệm dịch vụ hoàn hảo, Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng các tổ chức và cá nhân trong công cuộc đăng ký và bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ, đặc biệt là sáng chế của mình.

Facebook messengerFacebook messenger