Việc bảo vệ thương hiệu không chỉ là việc riêng của doanh nghiệp mà còn là vấn đề kinh tế, vấn đề hình ảnh của đất nước. Vì vậy, các biện pháp tăng cường bảo hộ thương hiệu Việt cần phải được thực hiện đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước cũng như từ các doanh nghiệp.
Hiện tượng một số thương hiệu mạnh của Việt Nam bị đăng ký tại nước ngoài đã xảy ra tại một số thị trường từ nhiều năm trước. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã ghi nhận một số trường hợp doanh nghiệp nước ngoài làm giả các sản phẩm có thương hiệu mạnh của Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam (do doanh nghiệp nước ngoài chủ động hoặc theo đặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam). Một số ví dụ như:
– Năm 2002, thương hiệu Vinataba – thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam đã bị P.T. Putra Stabat Industri (một công ty của Indonesia) chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước ASEAN.
– Năm 2003, Công ty võng xếp Duy Lợi thắng trong vụ tranh chấp với doanh nhân Nhật Bản Johnson Miki về việc đăng ký thương hiệu võng xếp Duy Lợi tại Nhật Bản.
– Nhãn hiệu cà phê “Buon Ma Thuot Coffee” đã bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (Quảng Châu – Trung Quốc) đăng ký độc quyền tại Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, ông Lee Mi Hyang, Giám đốc một doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đăng ký nhãn hiệu trong đó có từ “Buon” cho nhóm 30 sản phẩm cà phê vào ngày 6/1/2005. Nguyên nhân là do Đắk Lắk đã đăng ký chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuật tại Việt Nam nhưng không đăng ký ra phạm vi toàn cầu theo Hệ thống Madrid.
– Doanh nghiệp Thái Lan làm giả nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc bán ở Châu Âu (các nhà sản xuất ở Thái Lan chưa đăng ký độc quyền nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc tại thị trường nào, kể cả tại Thái Lan).
Nguyên nhân các DN bị làm giả hoặc bị mất thương hiệu
Nguyên nhân xảy ra tình trạng nêu trên là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của thương hiệu hàng hoá, sự đóng góp của thương hiệu trong giá trị sản phẩm và sự canh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, từ đó xem nhẹ việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với thương hiệu của mình không chỉ tại thị trường nước ngoài mà ngay cả ở thị trường trong nước.
Các doanh nghiệp Việt Nam chưa xác định được chiến lược kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh trong điều kiện hội nhập quốc tế và tập trung phát triển kinh doanh dài hạn tại các thị trường trọng điểm. Một tâm lý phổ biến là để tiết kiệm chi phí các doanh nghiệp thường chờ khi sản phẩm có chỗ đứng tại thị trường nước ngoài nào đó rồi mới nghĩ đến việc đăng ký thương hiệu. Các doanh nghiệp này không nhận thức được rằng nếu muốn kinh doanh thành công và lâu dài, thì trước tiên phải đăng ký thương hiệu ở những thị trường mà có ý định muốn quảng bá sản phẩm.
Hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam về luật pháp quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhất là Luật Quyền sở hữu trí tuệ tại các quốc gia mà doanh nghiệp muốn thâm nhập còn hạn chế.
Doanh nghiệp chưa chủ động tìm sự giúp đỡ của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài (như các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài) để nhờ tư vấn, hỗ trợ. Trên thực tế, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài, tuy nhiên, có rất ít doanh nghiệp liên hệ tư vấn…
Việc bảo vệ thương hiệu không chỉ là việc riêng của doanh nghiệp mà còn là vấn đề kinh tế, vấn đề hình ảnh của đất nước. Vì vậy, trong thời gian tới các biện pháp tăng cường bảo hộ thương hiệu Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước cần phải được thực hiện đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước cũng như từ các doanh nghiệp.
Thương vụ sẵn sàng hỗ trợ các DN đăng ký bảo hộ thương hiệu
Về phía Bộ Công Thương: Hiện nay đang thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia, Chương trình được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003. Đây là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn nhằm xây dựng, quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Từ Chương trình này, Bộ Công Thương sẽ tích cực tuyên truyền phổ biến rộng rãi tới doanh nghiệp ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cũng như tại nước ngoài.
Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo Thương vụ/Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại các địa bàn phụ trách. Thương vụ có nhiệm vụ cung cấp thông tin về pháp lý liên quan tới bảo hộ thương hiệu sản phẩm, thực thi công tác quản lý nhãn hiệu, thương hiệu tại thị trường.
Bên cạnh đó, Thương vụ cũng là cơ quan kết nối các cơ quan thẩm quyền hai bên trong việc thực thi và hợp tác chống giả mạo thương hiệu, sử dụng hệ thống mạng lưới kết nối của mình với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng đầu, các Hiệp hội, tổ chức ngành hàng và các tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại để gửi các thông tin thông báo về tình hình giả mạo (nếu có) và quảng bá các nhãn hiệu thực sự mạnh tại thị trường.
Về phía các cơ quan nhà nước có chức năng liên quan: Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ, một mặt tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp có thể tiếp cận và tìm hiểu dễ dàng hơn những điều luật quốc tế. Mặc khác, tiến hành tham gia các hiệp ước và thỏa ước quốc tế khác ví dụ như thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế về kiểu dáng công nghiệp, tạo điều kiện cho quy trình đăng ký nhãn hiệu và quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam được dễ dàng hơn trong quá trình hội nhập quốc tế.
Doanh nghiệp cần đăng ký nhãn hiệu hàng hóa càng sớm càng tốt
Các doanh nghiệp cần chủ động nhận thức đúng đắn về vấn đề này và tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký xác lập Quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam cũng như tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng, không tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khác có thể làm giả hoặc đăng ký thương hiệu/quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của mình càng sớm càng tốt. Đồng thời đảm bảo thông tin nhất quán đến người tiêu dùng.
Ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch đưa sản phẩm của doanh nghiệp thâm nhập vào một thị trường ngoài nước, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ cách thức đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại nước sở tại.
Doanh nghiệp nên thiết lập hệ thống thông tin phản hồi và cảnh báo xâm phạm thương hiệu ngay tại nước sở tại ví dụ như lập đường dây nóng, mở rộng hệ thống phân phối và bán lẻ hàng hóa…
Doanh nghiệp nên xem xét thành lập các Văn phòng đại diện tại nước ngoài để ngoài chức năng hoạt động thương mại thì Văn phòng này sẽ giúp doanh nghiệp thuận tiện theo dõi việc sử dụng thương hiệu của các đối thủ cạnh tranh nhằm ngăn chặn nguy cơ bị làm mất uy tín thương hiệu của mình tại nước ngoài.
Đồng thời, Văn phòng sẽ giúp doanh nghiệp thường xuyên rà soát thị trường để phát hiện hàng giả, hàng nhái sản phẩm của mình do thương hiệu càng nổi tiếng, càng kích thích sự xâm phạm và làm hàng giả, hàng nhái của các đối thủ cạnh tranh.
Các doanh nghiệp nên tổ chức thành các Hiệp hội để có thể nâng cao sức mạnh và ưu thế của mình như ngành Thuỷ sản có Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP)… Khi xảy ra tranh chấp thương mại cần huy động sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Sở hữu trí tuệ),… để giúp doanh nghiệp bảo vệ lợi ích của mình được tốt nhất.
Đối với thương hiệu đã đăng ký và bị làm giả hoặc bị mất
Doanh nghiệp cần sớm phát hiện, phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài (như các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài) để yêu cầu cơ quan chức năng và doanh nghiệp vi phạm chấm dứt hành vi làm giả và đòi lại thương hiệu.
Khi bị mất quyền sử dụng thương hiệu, doanh nghiệp cần đấu tranh để giành lại quyền của mình. Các cơ quan có liên quan của Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp các vấn đề về pháp lý thông qua các kênh ngoại giao. Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (BTA) và các Công ước quốc tế như hệ thống Madrid và đặc biệt là Nghị định thư Madrid có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 11/7/2006 sẽ là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp Việt Nam bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Chinhphu.vn